Sáng ngày 20/6/016, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Buổi tọa đàm do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) phối hợp với Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức.
Đại diện An Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tới dự. Tham dự buổi tọa đàm còn có đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; các đồng chí Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường; đại diện Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường một số tỉnh trọng điểm; đại diện một số doanh nghiệp trong nước; đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương và các cơ quan thông tấn Báo chí. Công ty An Hà tham dự với vai trò đơn vị cung cấp các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái cho các doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Hiệp hội Vatap tổ chức buổi Toạ đàm và tổ chức Lễ ký thoả thuận hợp tác trong công tác đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã thể hiện sự quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi, doanh nghiệp người dân, cơ quan truyền thông để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội đẩy lùi tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong tình hình mới, nhất là cơ chế ủng hộ kinh phí cho các lực lượng chức năng thực thi. Các lực lượng chức năng tăng cường, tập trung nắm thông tin kiểm tra, điều tra các đường dây ổ nhóm sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái quy mô lớn để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tạo niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và của nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ vi phạm về chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố. Hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như mỹ phẩm, bia rượu, bánh kẹo, thuốc, điện thoại, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em, điện tử – điện lạnh…
Hội trường buổi Tọa đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra phổ biến, gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước, doanh nghiệp bị thất thu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, công tác thông tin tuyên truyền còn gặp nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi, doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ và kém hiệu quả.
Cuộc đấu tranh với vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc không chỉ của riêng một tổ chức, cá nhân mà là việc của toàn xã hội. Bà Trần Thanh Hảo – Giám đốc công ty An Hà chia sẻ “Để chống lại vấn nạn hàng nhái, hàng giả rất cần có sự chung tay góp sức từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng. Chống hàng giả hàng nhái cần có sự đồng thuận và nỗ lực của toàn xã hội”.
An Hà (Tổng hợp)