Trong khi người Việt đang tẩy chay các mặt hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc thì không ít hàng hóa chất lượng kém của Trung Quốc lại được “phù phép” thành hàng “Made in Viet Nam” để qua mặt người tiêu dùng.Giầy dép nhãn hiệu Việt được người tiêu dùng ưu chuộng đang phải đối phó với sự lấn lướt của hàng giả, hàng nhái.
Hàng tiêu dùng Việt đang từng bước chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập, nhất là trong lĩnh vực may mặc và ăn uống. Về phía người tiêu dùng cũng có xu hướng chuộng hàng Việt hơn. Sự thay đổi này cho thấy không chỉ chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước được nâng cao, mà còn thể hiện doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, quản trị công ty. Tuy nhiên, các sản phẩm càng có thương hiệu, uy tín trên thị trường lại càng bị làm giả, làm nhái như: May Việt Tiến, May 10, Foci, gốm sứ Minh Long, khóa Việt – Tiệp, nhựa Bình Minh, túi xách Lee & Tee, giầy dép nhãn hiệu Nine West, Adidas, Dull, bánh kẹo thương hiệu Vinamit,… đều là những thương hiệu có uy tín đã và đang phải đối phó với sự lấn lướt của hàng giả. Mỗi khi các DN ra mắt thị trường một sản phẩm mới, thì chỉ một thời gian sau đó thị trường đã có sản phẩm nhái y hệt với giá bán rẻ hơn nhiều. Thậm chí, lợi dụng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái đã chủ động đặt hàng sau đó thay bao bì nhãn mác hàng Trung Quốc thành hàng của các DN sản xuất có uy tín của Việt Nam để tuồn vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Trước thực trạng đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã xây dựng nhiều chuyên án kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại. Năm 2013 đã phát hiện, xử lý hơn 130 vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… 3 tháng đầu năm 2014, phát hiện, xử lý hơn 30 vụ… Tuy vậy, tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng Trung Quốc làm giả các nhãn hiệu trong nước có uy tín vẫn tồn tại, thị trường. Theo ông Trần Trọng Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, phần lớn những vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… bị các lực lượng chức năng bắt giữ đều liên quan đến hàng Trung Quốc. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng ngày càng tẩy chay hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc, ý thức người Việt dùng hàng Việt ngày càng được nâng cao nên nhiều mặt hàng kém chất lượng xuất xứ Trung Quốc được chủ cửa hàng hám lợi “phù phép” thành hàng “Made in Việt Nam” để bán tại thị trường trong nước làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của hàng Việt. Để ngăn chặn kịp thời và triệt để vấn đề này thì rất khó bởi những thông tin, đặc điểm nhận biết giữa hàng thật và hàng giả vẫn chưa thông tin đầy đủ, trong khi các phương thức làm giả ngày càng tinh vi. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kiến thức về hàng hóa, sở hữu trí tuệ còn hạn chế, các công cụ hỗ trợ, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa chưa được trang bị đầy đủ…
Hiện nay, hàng Việt đã có nhiều cải tiến về chất lượng, nhiều thương hiệu Việt có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hàng Việt nhìn chung vẫn còn đơn điệu, mẫu mã chưa phong phú, giá lại cao gấp nhiều lần hàng giả. Vì vậy, để từng bước đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, ngoài nỗ lực của nhà sản xuất về phía Nhà nước, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành. Các Nghị định xử phạt hành chính phải thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Bên cạnh đó, DN cần coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác định hàng giả, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả; cần tính toán nâng cao uy tín thương hiệu và sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường để từng bước thay đổi tâm lý “hàng ngoại mới là hàng tốt”…