Trên những vùng cao nguyên khắc nghiệt của xứ Tây Tạng, có một loại dược thảo quý hiếm mà với giá trị của nó khiến người ta còn quý hơn cả vàng.
Đắt như vàng, rẻ như bèo!
Đông trùng hạ thảo được phát hiện ở Trung Hoa từ trước thời Hán. Người Tây Tạng là những người tìm ra loại đông dược đặc biệt này. Sở dĩ người ta đặt tên là đông trùng hạ thảo bởi nó sinh ra từ động vật vào mùa đông rồi mọc lên thành thảo dược vào mùa hè.
Sau này các nghiên cứu chỉ ra rằng, đông trùng hạ thảo thực chất là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loại bướm dơi thuộc chi Thitarodes. Nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đông trùng hạ thảo chỉ được phát hiện vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 đến 5.000 mét thuộc các vùng Trung Quốc như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam… Chính cấu tạo đặc biệt này đã làm nên sự quý hiếm của chúng mà không phải ai cũng nhìn thấy và thưởng thức được.Đường Hải Thượng Lãng Ông (quận 5, TP.HCM) là con đường được mệnh danh là phố thuốc Bắc ở TP.HCM. Nơi đây có hàng trăm của hàng chuyên bán các loại dược liệu được nhập từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, các loại thực phẩm chức năng như tổ yến, hồng sâm, bạch sâm, quế chi… và đông trùng hạ thảo.
Cửa hàng đầu tiên là Yến Nhung số 63 Hải Thượng Lãng Ông (quận 5, TP.HCM). Khi nghe khách hỏi mua đông trùng hạ thảo, nhân viên bán hàng chỉ vào ba cái chum lớn bằng thủy tinh có chứa những con nhìn tựa con sâu có cái chồi trên đầu. Nhân viên này giới thiệu cửa hàng hiện có ba loại: đông trùng hạ thảo nuôi lấy chất với giá bán 3,5 triệu đồng/100g; loại thứ 2 nuôi còn chất với giá 15 triệu đồng/100g; loại thứ 3 khai thác từ thiên nhiên với giá 80 triệu đồng/100g (số tiền 80 triệu mua được 2kg yến sào loại tốt!). “Tất cả đều là hàng từ Tây Tạng (Trung Quốc) nhập về”, nhân viên cửa hàng giới thiệu. Khách chê đắt, nhân vien liền cho biết cửa hàng còn có nhiều loại, sẽ bớt giá.
Cửa hàng thứ hai là Ngọc Nga số 115 Hải Thượng Lãng Ông (quận 5, TP.HCM). Khi khách nói muốn mua đông trùng hạ thảo về biếu sếp và muốn xem hàng thì người đàn ông bán hàng đưa lên bàn túi nilon, được bấm lại bằng kim một cách rất sơ sài.
Cửa hàng này có hai loại đông trùng hạ thảo. Loại thứ nhất là khai thác từ tự nhiên với giá 70 triệu/100g (chêch lệch với cửa hàng Yến Nhung 10 triệu đồng). Loại thứ 2 sản xuất nhân tạo với giá 3 triệu/100g. Loại được đựng trong túi nilon là loại hai, không nhãn mác, không xuất xứ gần 60g với giá 1,8 triệu đồng.
Cửa hàng Gia Phát số 116 Triệu Quang Phục (quận 5, TP.HCM), giá bán được chia ra theo kích thước. Loại lớn giá 8 triệu/100g, loại trung 6 triệu/100g, còn loại nhỏ 5 triệu/100g. Cầm một con lên xem thử thì không phát hiện điểm khác biệt nào so với hai cửa hàng trước. Tất cả đều được đựng trong những chiếc hộp, mẫu mã đều được in trên một tờ giấy nhỏ, sơ sài và cũ kỹ.
Chúng tôi tìm về phòng khám Tuệ Tĩnh Đường (quận Gò Vấp) gặp y dược sư Nguyễn Viết Xô. Lương y này cho biết, do giá trị cao ngất ngưởng như vậy nên đông trùng hạ thảo là loại dược phẩm được làm giả nhiều nhất. “Người có kinh nghiệm, nếu bằng mắt thường chưa chắc đã phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, vị lương y nói. Ông cho rằng nếu muốn biết chính xác thì chỉ dùng phương pháp quang phổ, phân tích thành phần thì mới có thể biết.
Thật ít, giả nhiều
Chị Nguyễn Thị Xuân Lan (ngụ tại đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh), nghe bạn bè giới thiệu đông trùng hạ thảo dạng nước, có công dụng với nhiều bệnh như hen suyễn, suy nhược cơ thể, điều trị các chứng bệnh suy yếu tổn thương, tác dụng với trẻ em chậm lớn, chị mua 5 hộp, giá 600.000 đồng/hộp 2 lọ. Nhưng cậu con trai 4 tuổi còi xương, biếng ăn đã uống hết cả 5 hộp mà vẫn không thấy gì khác hơn, không những không tăng cân nào mà vẫn biếng ăn như cũ. Chị phải quay sang tìm phương thuốc khác.
Y học cổ truyền Trung Hoa rất chú trọng âm dương, cho rằng mùa đông là âm, mùa hè là dương, đất là âm, trời là dương, thực vật là âm, động vật là dương. Quá trình sinh trưởng của đông trùng hạ thảo trải qua 3 loại âm dương này nên phù hợp với lý luận cân bằng âm dương Trung y. Do đó quan niệm dân gian cho rằng, loại sản vật này điều tiết tốt sức khỏe con người, nhất là trong chốn phòng the.
Vợ chồng anh Nguyễn Thiên P. (ngụ quận 5, đường Châu Văn Liêm, TP.HCM) kể lại mà vẫn còn ngao ngán. Anh P. là con một trong nhà, lấy vợ gần được ba năm mà vẫn chưa có con. Bên nội, bên ngoại đều nóng ruột mong có cháu ẵm bồng. Thấy mẹ chồng hối thúc vợ anh đâm ra lo lắng. Nghe mách bảo đông trùng hạ thảo có thể giúp đàn ông bồi bổ sinh lực lấy lại “phong độ” trong chốn phòng the, còn phụ nữ sẽ được trắng da dài tóc nên vợ anh tìm mua loại ”chính gốc” với giá 20 triệu đồng/50g. Mỗi lần sử dụng chỉ dùng 5g chưng cách thủy với thịt gà để hai vợ chồng cùng tận hưởng hương vị và tác dụng của thần dược. “Tận hưởng” đến nỗi ngửi thấy mùi là ngán đến tận cổ nhưng vẫn không thấy kết quả.
Trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo được bán dưới dạng hàng nhập với nhiều chủng loại, từ nước uống bổ dưỡng, nước uống tinh chất đến dạng viên nén… có giá giao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Loại đông trùng hạ thảo nguyên con có thể dễ dàng tìm mua ở các cửa hiệu thuốc Bắc với giá lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, không ai biết chắc được đâu là đông trùng hạ thảo thật, đâu là hàng giả.
Hiện nay, Nepal đang là nơi khai thác đông trùng hạ thảo lớn nhất thế giới. Nó mang đến nguồn thu nhập cho những người dân nghèo Nepal sống dưới chân dãy núi Himalaya. Nhưng do săn lùng một cách quá mức nên đông trùng hạ thảo ngày càng trở nên khan hiếm. Thực tế, đông trùng hạ thảo chỉ có ở những khu vực có độ cao 3.500m so với mực nước biển. Hằng năm, người dân Nepal vẫn khai thác và hiện nay đang tận thu khiến cho loại “ngự dược” này đang có nguy cơ tuyệt diệt. Trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo có hầu hết trong các cửa hàng thuốc Bắc lớn nhỏ với giá chỉ vài triệu/100g, còn ở Nepal có giá 30.000-40.000 USD/kg. Thế nhưng trên thị trường “thần dược này bán nhan nhản, mua bao nhiêu tạ cũng có giá nào cũng có. Vậy những thứ chỉ vài triệu/100g thì đó là loại gì nếu không phải là hàng giả?
Đông trùng hạ thảo thường được làm giả bằng cách, dùng thân củ của địa tàm tạo thành hình “đông trùng”, và thảo thạch làm “hạ thảo”. Có loại còn được làm bằng bột bắp, thạch cao. Một số còn được… sản xuất gia công bằng khuôn hình sâu non. Loại này dễ phân biệt hơn vì thân nhẵn bóng, thấy rõ các vằn sau bụng, bên ngoài có màu vàng nhạt và giòn hơn so với hàng thật.
Tinh vi hơn, người ta còn làm giả đông trùng hạ thảo nguyên con nhìn rất giống hàng thật. Phần “trùng” được làm giả bằng con sâu chit (loài sâu sống bên trong thân cây chit mọc hoang tại nhiều khu vực ở trung du và miến núi phía Bắc, thường dùng để ngâm rượu) nên rất khó phân biệt.
BS Đông y Nguyễn Đức Thành, công tác tại bệnh viện y học dân tộc TP.HCM, cho rằng đông trùng hạ thảo thật có mùi tanh nồng, rất đặc trưng, còn hàng giả có mùi tanh của hóa chất, ngửi vào rất khó chịu. Đông trùng hạ thảo tự nhiên còn đắt hơn cả vàng, 1 tỷ đồng có thể mua được một căn nhà, nhưng với mức giá ấy chỉ có thể mua được 1kg đông trùng hạ thảo.
Đông trùng hạ thảo thật nhìn giống như con tằm, dài khoảng 3-5cm, đường kính từ 0.3-0.8cm, bên ngoài có màu vàng hoặc màu vàng sẫm. Phần “trùng” có màu đỏ, giống đuôi con tằm. Phần “thảo” hình que cong, mọc ra từ sâu non, dài hơn sâu non một chút. Từ xưa, đông trùng hạ thảo được coi là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi sinh xuân lực, và có tác dụng với những bệnh nan y như ung thư, xuất huyết não… Ngày nay, nó vẫn được coi là một dược phẩm quý hiếm chưa nhiều nguyên tố có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ nên coi là thực phẩm chức năng. Nhiều người nghĩ rằng đông trùng hạ thảo có thể trị bách bệnh, giúp cái thiện nhiều chức năng cơ thể. Loại thảo dược này có công dụng bổ dưỡng nhất định chứ không phải là thần dược tột cùng thần bí như mọi người lầm tưởng. “Chỉ nên dùng đông trùng hạ thảo như bài thuốc hỗ trợ quá trình điều trị để tăng cường sức khỏe chứ không phải “thần dược” như nhiều người nói”, y dược sư Nguyễn Viết Xô, cho biết. |