Vào ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Nghị định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022 đến hiên tại. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về nhãn hàng hóa như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa…
Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
“… 2. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
- Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.
Để xử lý các hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các quy định hiện hành về nhãn hàng hóa và thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, ngày 30 tháng 12 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử. Theo đó đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, …:
- a) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;
- b) Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam”.
(Lực lượng Quản lý thị trường đang thực hiện kiểm tra nhãn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh)
Như vậy, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm hành chính của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Để làm rõ trách nhiệm hành chính của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa nêu trên, cần phân tích các quy định của pháp luật có liên quan về quy định, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm như sau:
Thứ nhất, về quy định hành vi vi phạm hành chính
Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính:
“1. Việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- a) Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước;
- b) Đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước;
- c) Hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn”.
Thứ hai, quy định về nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Điều 32 Luật Thương mại 2005 quy định: “Nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
- Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
- Các nội dung cần ghi trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Thứ ba, quy định của pháp luật về lưu thông hàng hóa
Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP giải thích lưu thông hàng hóa: “Lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, khuyến mại, vận chuyển và lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ”.
Thứ tư, Luật chất lượng sản phẩm năm 2007 quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, mua bán hàng hóa
– Khoản 2 Điều 10 quy định nghĩa vụ của người sản xuất: “2. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”.
– Khoản 2 Điều 12 quy định nghĩa vụ của người nhập khẩu: “2. Chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu”.
– Khoản 2 Điều 16 quy định nghĩa vụ của người bán hàng: “2. Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa”.
Từ các căn cứ pháp lý nêu trên cho thấy trong tất cả các công đoạn từ sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm: sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm của mình; quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành về nhãn hàng hóa và thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong thời gian qua.
Qua phân tích, làm rõ trách nhiệm hành chính của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh sớm cập nhật và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định mới nói trên, không để xảy ra vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa trong quá trình sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa.
Nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa thì theo quy định mới tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng; trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm …