Dù giá cao ngất ngưởng nhưng thuốc giảm cân, thực phẩm giảm béo vẫn được rất nhiều người ưa chuộng chỉ vì tin vào những lời quảng cáo chưa được kiểm chứng. Người tiêu dùng như bị lạc vào mê hồn trận thuốc giảm cân trên thị trường hiện nay.
Vừa sinh đứa con thứ hai được 8 tháng, chị Hoàng Lê (ngụ phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) tăng cân lên hơn 70 kg, trong khi chiều cao khiêm tốn, chỉ 1,55 m. Tìm đủ mọi cách vẫn không giảm cân được, chị quyết định tìm đến các loại thuốc giảm cân đang quảng cáo trên thị trường.
Rước bệnh
Cầm trên tay lọ thuốc giảm cân mang tên Ba cô gái của Thái Lan giá 1,2 triệu đồng/30 viên, người bán khẳng định với chị Lê chỉ cần uống hết 1 lọ là có thể giảm được từ 6-8 kg mà chẳng phải ăn kiêng hay tập thể dục. Đắn đo một hồi, chị Lê quyết định mua một lọ về uống thử.
Làm theo hướng dẫn, chị Lê uống 1 viên thuốc giảm cân vào mỗi buổi sáng, trước bữa ăn điểm tâm để cả ngày không có cảm giác đói bụng hay thèm ăn. Trong tuần đầu tiên, chị giảm được 1 kg thay vì 2 kg như lời quảng cáo. Mỗi ngày chị Lê uống sữa vào buổi sáng, các buổi còn lại chỉ ăn cầm chừng một ít thức ăn. “Đó là khoảng thời gian hết sức khủng khiếp. Những ngày đầu, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, có cảm giác đắng, chát và đau nhức mỗi khi nhai thức ăn. Ngay cả uống nước cũng không có nhu cầu” – chị Lê cho biết.
Những ngày sau đó, ngoài chán ăn, chị còn bị thêm chứng đau đầu, xây xẩm mỗi khi đứng lên, ngồi xuống. Ngã lưng xuống giường cũng không ngủ được vì hai mắt cứ ráo hoảnh. Thấy sức khỏe không ổn, chị Lê ngừng uống thuốc và quyết định đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ cho biết chị bị tăng huyết áp, nếu tiếp tục dùng thuốc giảm cân thì khả năng đột quỵ rất cao.
Trường hợp của chị Vân Hương (chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) còn bi đát hơn khi phụ thuộc vào thuốc giảm cân cả chục năm nay. Vì muốn thân hình nặng nề trở nên thon gọn, chị Hương không ngại tìm đến những sản phẩm như trà giảm béo, thực phẩm chức năng, rồi đến các thuốc giảm cân đang được quảng cáo rầm rộ trên thị trường. Loại thuốc gần đây mà chị Hương sử dụng không chỉ làm cảm thấy chán ăn, mất ngủ mà trí nhớ còn liên tục sút giảm, đau nhói phần ngực và các đốt ngón tay. Đem hộp thuốc đi hỏi bác sĩ, chị mới tá hỏa khi biết trong thành phần thuốc có chứa sibutramine, một chất đã bị đình chỉ lưu hành tại Singapore từ năm 2010 vì có thể nguy hiểm đối với người dùng, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp.
Chỉ dẫn ngược
Khảo sát trên thị trường, chúng tôi nhận thấy có hàng trăm loại thuốc, thực phẩm chức năng, trà – nước uống giảm béo bày bán khắp nơi từ cửa hàng, nhà thuốc đến các shop trên mạng. Sản phẩm có xuất xứ từ nhiều nguồn nhưng người bán thường nói là hàng xách tay để dễ chiêu dụ người mua. Ngay cả những hiệu thuốc cũng treo đầy bảng quảng cáo thực phẩm giảm béo chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên, không hại cho sức khỏe khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận thuốc giảm cân.
Những người đã dùng qua thì cho biết thuốc giảm cân càng nhanh, khi ngừng uống cơ thể sẽ mau chóng tăng cân trở lại. Đó là chưa nói đến hệ quả tiền mất tật mang vì sức khỏe bị ảnh hưởng. Còn theo TS Nguyễn Hữu Đức, Trường Đại học Y Dược TP HCM, các loại thuốc giảm cân đều làm cho người sử dụng cảm thấy no, chán ăn và ảnh hưởng đến thần kinh nếu sử dụng trong một thời gian dài.
Một chuyên gia y tế cho rằng việc các nhà kinh doanh thuốc, thực phẩm giảm cân tự do quảng cáo, thổi phồng công dụng như giảm cân nhanh mà không cần ăn kiêng hay tập thể dục là phản khoa học. “Trong khi thế giới chứng minh cách tốt nhất để điều chỉnh cân nặng là phải ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, tập luyện thể dục đều đặn thì người bán thuốc lại công khai đưa ra lời khuyên trái ngược. Nhiều người muốn giảm béo nhưng lại lười tập luyện rất dễ “mắc bẫy” trước những lời quảng cáo này” – vị chuyên gia này cảnh báo.
Hầu hết các loại thuốc giảm cân đều có những tác dụng phụ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Do đó, các chuyên gia khuyên người sử dụng phải thật tỉnh táo, có hướng dẫn cụ thể của người có chuyên môn trước khi dùng. Nếu không, dễ rơi vào cảnh “tốn tiền rước bệnh vào thân”.
Chứa chất nguy hiểm
Liên tục những ngày gần đây, Cơ quan Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về hàng chục loại thực phẩm chức năng giảm cân có chứa sisbutramine và phenolphethalein – những chất nguy hiểm đến sức khỏe con người đã bị nước này cấm sử dụng.
Qua kiểm tra, xác minh các thực phẩm chức năng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết từ ngày 1-1-2011 đến nay, cơ quan này chưa cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho hầu hết các sản phẩm mà FDA đã cảnh báo, ngoại trừ thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân Super Fat Burner do Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn nhập khẩu theo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 6950/2013/ATTP-XNCB cấp ngày 17-4-2013. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn dừng ngay việc lưu hành loại thực phẩm nói trên và thu hồi các sản phẩm đã bán, đồng thời báo cáo kết quả trước ngày 6-4. V.Vinh