“Người tiêu dùng phải bắt đầu thấy bất bình, phẫn nộ với hàng giả – hàng nhái vì như vậy là lừa đảo thô bạo, là góp phần làm suy giảm sức khoẻ của nền kinh tế và không công bằng với nhà sản xuất” – một chuyên gia kinh tế thở dài…
Chưa bao giờ, tình trạng hàng giả, hàng nhái lại bủa vây và hà hiếp doanh nghiệp Việt như hiện nay.
Thập diện mai phục
Ít có trường hợp nào mà hàng giả và hàng nhái bủa vây doanh nghiệp với tần suất lớn như trường hợp các công ty may của Việt Nam: Việt Tiến, Phong Phú, Hanosimex…
Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty may Việt Tiến, bức xúc: “Chúng tôi mất hàng chục năm công sức để gầy dựng thương hiệu, tốn cả ngàn giờ làm việc để tạo ra mẫu mã, với những “phom mẫu” có kích thước phù hợp với người tiêu dùng, nhưng người ta chỉ mất có một vài ngày để làm giả và dựa vào tên của Việt Tiến để kiếm lợi nhuận một cách bất hợp pháp. Không chỉ là thiệt hại về tiền cho chúng tôi, mà còn là một lo ngại rất lớn đối với sức khoẻ người tiêu dùng vì gần đây, các thông tin về hoá chất nhuộm vải độc hại… thật đáng báo động”.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nêu vấn đề: vì sao các nhãn hiệu lớn của thế giới như Louis Vuitton, Honda… có thể mở chiến dịch thẳng thừng truy bắt các cơ sở làm giả hàng của họ ở Sài Gòn, Hà Nội đến tận hang ổ mà doanh nghiệp Việt Nam thì cử người đi theo bọn làm hàng giả tận nơi, vẫn không “bắt tận tay day tận mặt” chúng được?
Một khảo sát nhanh của trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cuối tháng 7/2013 với 60 doanh nghiệp bị hàng giả “nhũng nhiễu” nhiều nhất, cũng đều “than trời” khi nói về tình trạng này.
“Riết rồi chúng tôi cũng hết sức e dè khi giới thiệu sản phẩm mới, vì ra mới cực lắm, nhưng vừa được thị trường chấp nhận thì lập tức có hàng giả hàng nhái liền” – một doanh nghiệp ngành nhựa cảm thán…
Hàng Việt bị giả thành hàng… Nhật!
Có một chuyện vui rất bất ngờ trong chuyến giao lưu giữa đại sứ hàng Việt – tiểu thương và doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại Nha Trang vừa qua, là trường hợp hàng Việt bị “làm giả ngược”.
Đó là trường hợp công ty Liêu Thanh – một doanh nghiệp sản xuất trang phục lót khi vào chợ, đến thăm tại sạp hàng để giới thiệu hàng hoá với tiểu thương cùng NSUT Tạ Minh Tâm, Quang Thảo thì phát hiện sản phẩm của mình đang bán tại chợ dưới nhãn made in Japan!
Chị Tô Hoa Hồng Điệp, chủ của thương hiệu Jovial này cho biết: “Thật sự cũng dở khóc dở cười. Hàng mình tốt thì mới bị giả thành hàng Nhật, nhưng giải thích sao, bà con tiểu thương cũng không chịu tin. Mình thì không được lợi gì mà người tiêu dùng thì lại bị lừa…”
Chứng kiến cảnh người của công ty Liêu Thanh mở từng lớp vải của sản phẩm toàn nhãn mác chữ Nhật, chỉ ra đúng những dấu hiệu mà chỉ có riêng nhà sản xuất mới nhận diện được thì chị tiểu thương mới “hết hồn”: “Cái này bán chạy lắm, cứ tưởng hàng Nhật, đâu có dè là hàng Việt Nam bị làm giả đâu… Hàng này được quá mà tụi tôi cứ không “cập nhật” nên lâu nay bị lừa oan mạng”.
Vào đến Tiền Giang, ra chợ, chị Hồng Điệp cũng gặp cảnh tình vui mà mếu như vậy. Chị nói với ban tổ chức phiên chợ, thực ra mình lo làm sản phẩm cho thiệt là tốt mà không có điều kiện đầu tư cho khâu truyền thông rộng rãi về chất lượng sản phẩm nên bị những người xấu lợi dụng sự dễ tin của người tiêu dùng mà trục lợi. Thời buổi khó ghê, sản xuất hàng tốt không đủ, còn phải tiếp thị mạnh nữa, mà doanh nghiệp Việt thì nghèo, nên sắp tới, hội phải tổ chức nhiều chuyến đi giao lưu hơn nữa nhé…
Một câu chuyện khác cũng thú vị không kém do ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty Vinamit kể lại: “Đến gặp một nhà phân phối của siêu thị Walmart của Trung Quốc, họ rất hồ hởi thông báo là sản phẩm trái cây sấy bán rất chạy. Mình hơi ngạc nhiên vì nhiều năm nay chỉ mới tập trung sản phẩm chủ lực là mít sấy. Cuối cùng phát hiện ra toàn bộ sản phẩm trái cây sấy mà siêu thị khen mình là do một công ty của Trung Quốc làm giả. Làm việc với luật sư, với cơ quan quản lý thị trường, đủ mọi bằng chứng, giấy tờ mang ra mới tìm lại được vị trí của mình đang bị đánh mất”.
Vậy mới hay, việc hàng nước ngoài nhái hàng Việt không chỉ xuất hiện ở thị trường trong nước mà ở nhiều nơi khác tình trạng này cũng không phải là không có.
Đi tìm một tiếng nói chung
Chạm đến hàng giả, hàng nhái và vấn đề sở hữu trí tuệ chính là chạm vào nỗi niềm của đại đa số doanh nghiệp Việt. Hàng loạt đề xuất, ý kiến về các chương trình truyền thông, các hoạt động phối hợp được doanh nghiệp khẩn trương nêu ra cho hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Thậm chí không ít ý kiến muốn việc góp sức cùng cơ quan chức năng là điều doanh nghiệp nên được làm chính thức, để xã hội hoá chuyện bắt kẻ gian giữa chốn thiên la địa võng này.
Theo Trần Nguyên
SGTT