Chỉ sau 2 lần dùng kem ủ Dove, tóc cứng như rễ tre, rụng lả tả. Người dùng shock trong khi nhà sản xuất không “mặn” với tin báo “Giải pháp dưỡng tóc vượt trội” bị làm giả.
Dưỡng tóc “phục vụ 1 lần”
Mua hộp kem ủ Dove tại cửa hàng 92 Hạ Đình (HN), mới dùng đến lần thứ hai, chị N.H.T thấy tóc xù ra, cứng đơ, xơ xác, rụng lả tả. Chị nhìn vỏ hộp thấy hạn dùng đến tận năm 2013.
Xem kĩ lại sản phẩm mình đã mua, so sánh trực tiếp với hộp kem ủ Dove khác, chị T thấy bột kem của mình không mịn, có những hạt lợn cợn nhỏ màu trắng đục, mùi nồng chứ không thơm dịu; kem dây bẩn đầy lên thành và nắp hộp. Chị cũng ngạc nhiên khi thấy hạn dùng trên hộp sản phẩm mình mua in trên nắp hộp trong khi các hộp kia in trên đáy hộp. Dù sản phẩm được sản xuất tháng 1/2010 nhưng số điện thoại đường dây nóng thiếu số, không gọi được.
Những hộp kem ủ tóc Dove có hạn dùng in trên mép hộp đầy rẫy tại các điểm bán hàng hoá mỹ phẩm trên địa bàn HN. Nhất là ở chợ đêm sinh viên, theo khảo sát của phóng viên VietNamNet, loại hàng này rất sẵn và nếu mặc cả khéo, giá có thể hạ cả chục ngàn đồng/1 hộp so với giá in trên bao bì.
“Mặn” – “nhạt” với tin hàng giả
Băn khoăn, nghi vấn về chất lượng sản phẩm và lo ngại cho mái tóc của mình, chị T tìm đủ mọi cách để liên hệ với nhà sản xuất.
Tìm được đúng số đường dây nóng của Unilever (doanh nghiệp sản xuất Dove), chị T gặp được nhân viên trực máy. Nhưng người này khẳng định với chị T tại thời điểm đó, công ty chưa phát hiện có sản phẩm Dove giả và hướng dẫn chị ra cửa hàng đã mua để xin đổi, nếu không được thì liên hệ lại.
Tuy nhiên, người bán hàng chối phắt việc chị đã mua Dove. Chị T lại gọi đến đường dây nóng của Unilever nhưng các đường dây đều bận và chỉ nhận tin nhắn. Gọi đi gọi lại, nhắn lại tên và số điện thoại đến vài lần nhưng sau đó chị T không thấy có ai liên hệ lại.
Chỉ đến khi phóng viên báo VietNamNet liên hệ, nhân viên chăm sóc khách hàng của Unilever mới nhanh nhẹn gọi điện cho chị T, mang tặng chị một bộ sản phẩm Dove và hẹn sẽ có câu trả lời sau khi kiểm tra hộp sản phẩm chị đã mua. Đại diện này cũng lần nữa khẳng định Unilever chưa ghi nhận bất cứ một thông tin nào về việc Dove bị làm giả.
Sau một tuần kiểm tra trong phòng thí nghiệm, công ty Unilever kết luận lọ kem ủ Dove chị T mua là hàng giả, bị làm giả cả về vỏ bao bì cũng như sản phẩm bên trong.
Ai bảo vệ NTD khỏi hàng giả?
Nếu như không có phản hồi của chị T, chắc chắn thông tin Dove bị làm giả sẽ đến công ty Unilever chậm hơn rất nhiều. Trong thời gian đó, sẽ có rất nhiều khách hàng khác bị lừa, vừa mất tiền vừa hại tóc. Còn Unilever sẽ vừa thiệt hại về doanh thu, vừa bị tổn hại thương hiệu do người dùng nhầm tưởng về chất lượng sản phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều người do chưa biết thông tin, có thể rước phải Dove giả.
Có một thực tế là người tiêu dùng cần được bảo vệ trước những hàng hóa kém chất lượng trong đó có hàng giả. Nhà sản xuất cũng thừa nhận rằng có những loại hàng giả tinh vi đến mức chỉ khi đội quản lý thị trường khui, mở sản phẩm và đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra, so sánh với sản phẩm mẫu mới phát hiện được hàng giả.
Bởi vậy, nhà sản xuất không thể bỏ mặc người tiêu dùng lúng túng giữa một rừng sản phẩm, thay đổi mẫu mã liên tục, không biết cái nào là thật là giả. Trường hợp chị T, đã cung cấp thông tin về nghi ngờ sản phẩm là hàng giả tới đường dây nóng của Unilever nhưng đợi mãi không có hồi âm, phải kêu đến phương tiện truyền thông đại chúng thì mới được lắng nghe.
Xem ra, các “thượng đế” Việt đang phải cam chịu sự tiếp đón lạnh nhạt ngay cả khi cung cấp tin quý cho nhà cung cấp.