Mới đây vào tháng 1/2022, chính phủ đã công khai đăng tải Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhận góp ý từ các bộ, ban ngành, tổ chức cá nhân.
Tình trạng mua phải hàng hóa kém chất lượng, “treo đầu dê, bán thịt c.h.ó” trong thị trường tiêu dùng Việt hiện nay không còn quá mới mẻ. Điển hình như chị N, sau khi nhận được chiếc ghế thư giãn không đạt chuẩn như sản phẩm quảng cáo trên kênh online, chị đã liên hệ trả hàng nhưng không được bên bán chấp thuận. Ngược lại, nhãn hàng còn đề nghị chị N đổi sản phẩm khác giá cao hơn và phải bù thêm một khoảng tiền nhất định.
Tình trạng mua phải hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng
Hành động này đã gây bức xúc cho đa số bộ phận người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, vụ việc cũng thể hiện sự thiếu sót trong cách thực thi các quy định trong Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng của chính phủ. Về vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức khẳng định Bộ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hoàn thiện về mặt pháp lý. Tuy nhiên, chưa có một cơ quan trung gian nào đủ thông tin hay tiếng nói để phân xử, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế vận hành trong Bộ luật Bảo vệ người tiêu dùng theo ông Đức là một điều hết sức cần thiết.
Mới đây vào tháng 1/2022, chính phủ đã công khai đăng tải Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhận góp ý từ các bộ, ban ngành, tổ chức cá nhân có liên quan. Bộ Công thương cho biết, dự thảo lần này bổ sung một số sửa đổi mới về Tổ chức Thương lượng, nhằm khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang trong quá trình sửa đổi
Ông Phan Thế Thắng – Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương – khẳng định rằng những đổi mới trên sẽ:
- Giúp người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi về mặt thông tin, được cung cấp đầy đủ thông tin về các quyền lợi của bản thân khi trao đổi, mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
- Đẩy nhanh quá trình xử lý các khiếu nại, tranh chấp, thương lượng tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người tiêu dùng được thể hiện quan điểm cá nhân trong các tranh chấp về mua bán hàng hóa, dịch vụ.
- Đảm bảo sự công khai, minh bạch rõ ràng trong quá trình xử lý các khiếu nại, tranh chấp của người tiêu dùng và nhãn hàng, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa.
Những quy định mới sẽ đảm bảo tiếng nói của người tiêu dùng khi mua sắm
Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Ông Vũ Văn Trung thông tin thêm cho người dân: Những sửa đổi mới trong Bộ luật sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bắt buộc phải ứng trước số tiền lệ phí tòa án. Tương tự đối với cá nhân người tiêu dùng trong những phiên tòa xét xử khiếu nại, tranh chấp.
Theo thống kê trong năm 2021, đã có gần 13.000 cuộc gọi từ người tiêu dùng với nội dung phản ánh khiếu nại cũng như yêu cầu giải quyết khiếu nại, được Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận. Trong đó, số trường hợp giải quyết thành công được thống kê trung bình trên 90%/năm.
Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Theo đó trong thời gian tới, Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng sẽ được Bộ Công thương quy định cụ thể rõ ràng hơn về thời gian, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận và giải quyết yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng Việt.
Qua thời gian tiếp nhận những đóng góp, quan điểm từ các tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ Công thương đang tích cực sửa đổi Dự thảo Luật để có thể trình lên Quốc hội. Bạn có thể đón đọc thông tin sớm nhất của dự án Luật sửa đổi qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo Truyền hình thông tấn – VNews
Nguồn thông tin: https://vnews.gov.vn/video/nguoi-tieu-dung-se-duoc-bao-ve-tot-hon-39368.htm