Hàng giả, hàng nhái tung hoành
Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái bị cơ quan quản lý phát hiện từ sách, đồ gia dụng, đồ uống, thiết bị vệ sinh, quần áo, hóa mỹ phẩm… Trong năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát hàng giả xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kết quả đã kiểm tra 866 vụ, phạt hành chính 5,3 tỉ đồng. Tịch thu hàng hóa trị giá 3,517 tỉ đồng, bao gồm: 23.118 sản phẩm giày dép, quần áo, kính mắt, túi xách,… 11.826 linh kiện ôtô, xe máy, 2.765 chai rượu giả, 119 chiếc điện thoại, 24.780 mũ bảo hiểm và mũ có hình giống mũ bảo hiểm…
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội cơ động chống hàng giả của TPHN: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ xâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…), hàng giả, hàng nhái còn tiêu thụ trên mạng xã hội, mạng cá nhân.
Hàng giả nhiều nhất vẫn thuộc nhóm tiêu dùng. Hành vi làm giả có yếu tố nước ngoài, hiện tượng hàng nước ngoài giả trong nước sản xuất là hình thức giả xuất xứ đã xuất hiện nhiều về số lượng. Chính vì vậy, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để chống lại hàng giả, ngoài cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, người tiêu dùng thì bản thân DN đóng vai trò quan trọng công tác phối hợp vạch trần đối tượng làm giả. Đồng thời DN sản xuất là đơn vị xác minh chính xác nhất hàng giả, hàng thật.
DN tìm đủ cách chống hàng giả
Một trong những chuyên gia về sách cho biết hầu hết các công ty sách hay nhà xuất bản làm ăn chân chính đều bị làm lậu, làm giả sách. Nguyên nhân chính của tình trạng in sách lậu chính là hám lợi, kẻ làm sách giả không muốn trả tiền bản quyền, tiền dịch vụ, hiệu đính, biên tập, trình bày rồi làm bìa.
Đối tượng làm giả có thể scan nguyên cả cuốn sách. Nguy hiểm hơn kẻ làm sách lậu lấy nội dung sách thật, thay tên sách và xin giấy phép xuất bản. Có những cuốn sách mua bản quyền rồi, dịch xong chưa kịp xuất bản đã có sách giả, sách lậu trên thị trường. Điều đáng nói là sách giả, sách nhái thường nâng cao giá bìa và chiết khấu cao cho người mua. Bạn đọc ham rẻ và bị lừa.
Để đối phó với hiện tượng làm giả, làm lậu sách, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Cty cổ phần Sách Thái Hà: “Ngoài việc bạn đọc tẩy chay sách lậu, cơ quan quản lý phải bắt và xử nghiêm những vụ làm sách giả, sách lậu, ít nhất là tịch thu tang vật (máy in, sách giả). Việc tiến hành kiểm tra phải làm thường xuyên và đặc biệt là từ phía các nhà xuất bản, công ty sách và tác giả cần tự bảo vệ mình, không nên chán nản, đấu tranh đến cùng với nạn sách giả”.
Cũng như mặt hàng sách, nhiều đồ ăn, uống cũng bị làm giả, làm nhái ông Lê Hoàng Vinh – GĐ Công ty cổ phần sữa Ba Vì cho rằng: “Thật khó cho DN làm ăn chân chính. Chúng tôi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để đưa ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường, sản phẩm sữa bị làm giả. Chúng tôi liên tục thay đổi mẫu mã nhưng đó cũng không phải là giải pháp tốt vì người tiêu dùng (NTD) khó nhận biết trong ma trận hàng hóa giả, thật hiện nay”.
Lực lượng QLTT đã kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Cát Quế, Hoài Đức và phát hiện cơ sở có sản xuất bột mì nhãn “Hoa Phương Lan” giống nhãn hàng đã được bảo hộ “Hoa Ngọc Lan”. Trong quá trình làm rõ, lực lượng chức năng đã nhận được sự phối hợp tích cực của Cty TNHH chế biến bột mì Mê Kông – đơn vị đang được bảo hộ sản phẩm. Đây cũng là hình thức để DN tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả.
Để bảo vệ NTD và nhà sản xuất, nói về nạn hàng giả, hàng nhái và trách nhiệm của cơ quan quản lý ông Phan Tiến Bình – Phó GĐ Sở Công thương TPHN khẳng định: “Số lượng vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trong thời gian qua tăng (giá trị hàng hóa thu giữ trong năm 2013 đạt hơn 107 tỉ đồng) cho thấy hoạt động này rất phức tạp. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra hàng lậu, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi NTD và DN sản xuất”.