Các tổ chức sẽ bị phạt từ 200.000VNĐ cho đến 15 triệu đồng đối với những hành vi cố tình làm sai quy định về dán nhãn phụ. Mức xử phạt có thể tăng lên gấp đôi trong các trường hợp hàng hóa là giả; gian lận về thời gian sử dụng; hàng hóa thuộc nhóm thuốc, lương thực, mỹ phẩm.
Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Quy định về nhãn phụ của sản phẩm nhập khẩu:
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được ban hành ngày 14/4/2017 thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 đã tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, Nghị định này đã quy định rõ nội dung và cách ghi nhãn hàng hóa, trong đó nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị đinh.
Một số điểm mới khác được quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:
- Đối với xuất xứ hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Xuất xứ hàng hóa được ghi một trong các cách như “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm theo tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó (Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất không được viết tắt).
- Đối với tên hàng hóa phải đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.
- Đối với hàng hóa định lượng bằng đại lượng đo lường thì phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường. Cách ghi định lượng hàng hóa theo quy định của Phụ lục II của Nghị định.
- Đối với ngày sản xuất, hạn sử dụng hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày tháng năm của năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt. Cách ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng được quy định cụ thể tại Mục 1 Phụ lực III của Nghị định.
- Đối với thành phần, thành phần định lượng được quy định đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng, đối với thuốc dùng cho người, vắc xin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học , thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất; đối với đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hóa và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.
- Bên cạnh đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP thực hiện miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; Miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích bán; hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa…
Xử phạt đối với sai phạm trong việc dán nhãn phụ cho sản phẩm:
Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, có quy định như sau:
Khoản 1 điều 26. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
– Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
– Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khoản 2 điều 26. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Khoản 5 điều 26. Phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này đối với một trong các hành vi sau đây:
– Kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả;
– Gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa;
– Vi phạm về nhãn hàng hóa đối với hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ chơi trẻ em.
Khoản 6 điều 26. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 khi không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều này.
Khoản 7 điều 26. Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này;
– Buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy đinh tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.