TT – Ai cũng biết tem chống hàng giả chỉ được Bộ Công an cấp khi có đủ thủ tục hợp lệ. Thế nhưng, một số người vẫn cho rằng có thể in giả loại tem này hoặc “phù phép” thủ tục để có tem thật.
Để tạo sự tin cậy, chúng tôi đã nhờ một người đàn ông tên T., một mắt xích trong đường dây làm giả tem chống hàng giả của bà L., người tự xưng là giám đốc Công ty cổ phần L, có trụ sở ở đường Hoàng Việt (Q.Tân Bình, TP.HCM), giới thiệu với mục đích dán lên lô hàng điện thoại di động nhập lậu, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc để bán ra thị trường.
Gặp nhau, bà L. trả lời ngay rằng nếu không được ông T. giới thiệu thì bà không nhận “sô” vì không đủ thủ tục trình lên cơ quan in tem chống hàng giả của Bộ Công an là Viện Khoa học hình sự. Bà rào đón: “Vụ làm ăn này rất phiêu, nguy hiểm, ảnh hưởng đến uy tín công ty”. Tuy nhiên vì đã có “đồng nghiệp” giới thiệu nên bà L. hứa chắc nịch là sẽ lo được thủ tục hợp lệ để Bộ Công an cấp tem chống hàng giả.
“Đại tá Phạm Ngọc Hiền (phân viện trưởng phía Nam, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an):
Không hề liên kết với các doanh nghiệp
Viện Khoa học hình sự không liên kết, hợp tác với bất kỳ doanh nghiệp nào bên ngoài để in tem chống hàng giả. Doanh nghiệp nào in dòng chữ “Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an” trên con tem đều là vi phạm bản quyền của viện. Hiện nay có một số công ty in tắt “B.C.A” mục đích nhập nhòe chữ “Bộ Công an” để lách luật. Các doanh nghiệp khi được viện cấp phát tem chống hàng giả, trước khi dán tem lên bất kỳ sản phẩm nào, viện chúng tôi đều cảnh báo là phải kiểm tra kỹ tem có đúng với mặt hàng cần dán không.
Cứ 100.000 tem chống hàng giả, viện cấp cho doanh nghiệp một đèn kiểm tra dấu hiệu phát quang đặc biệt để phân biệt tem thật. Tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự được phép sử dụng công nghệ vi in (sử dụng trong công nghệ in tiền), in một số chi tiết mà các máy in bên ngoài không thể in được. Chất liệu giấy vỡ để in tem vỡ trên tem chống hàng giả cũng chỉ có viện được sở hữu.”
“Bùa” thủ tục
Bà L. nói thẳng giá in lô hàng sẽ cộng thêm phí “hồ sơ” nên mắc hơn thông thường một chút do bà phải lo luôn khâu làm thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý trình cơ quan in của Bộ Công an. Thủ tục làm giả một bộ hồ sơ trình in tem chống hàng giả lên Bộ Công an mà bà L. kê ra gồm: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký mã số thuế, giấy ủy quyền cho công ty cần in cho công ty dịch vụ, giấy đăng ký độc quyền sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, logo…
Chúng tôi yêu cầu trên con tem chống giả phải có tên một thương hiệu nổi tiếng về điện thoại di động và quan trọng nhất là trên con tem này khi chiếu đèn tia cực tím kiểm tra thì sẽ hiện lên dòng chữ màu vàng “Bộ Công an – Tem chống hàng giả”… Bà L. xua tay cho biết đó là “chuyện nhỏ” và đồng ý luôn.
Bà ra giá: “Tem vỡ, có dấu phát sáng là ba chữ BCA (Bộ Công an) với kích cỡ 40 x 18mm hết 650 đồng/tem (số lượng in tối thiểu là 50.000 tem), chưa thuế giá trị gia tăng; kích thước 20 x 10mm giá 250 đồng/tem. Cũng kích cỡ trên nếu in với số lượng 100.000 tem sẽ giảm 100 đồng/tem”. Bà L. yêu cầu đặt cọc 50% giá trị hợp đồng và sẽ giao tem trong vòng sáu ngày kể từ ngày ký biên bản thỏa thuận với công ty của bà.
Dù than vãn “đây là một việc khó” để tăng giá nhưng bà L. bảo đảm sẽ lo thủ tục trót lọt cho chúng tôi bằng cách ghép với hồ sơ một doanh nghiệp cũ từng nhờ bà đặt in, để đặt in bổ sung số lượng tem mới. Hoặc bà sẽ lo một giấy phép đăng ký kinh doanh (khống) để trình cơ quan in.
Vờ như không rành thủ tục, chúng tôi yêu cầu in tem bên Viện Khoa học hình sự, không in tem chống hàng giả bên Bộ Công an (thực chất Viện Khoa học hình sự trực thuộc Bộ Công an). Nghe vậy, bà L. ngay lập tức nâng giá: “Thủ tục in bên Viện Khoa học hình sự sẽ rất căng, rắc rối. Tôi là mối quen và làm ăn lâu năm bên bộ phận in của Bộ Công an nên giá in và thủ tục còn mềm, dễ dàng. Nếu in lô tem với tình trạng pháp lý khống bên Viện Khoa học hình sự, tôi vẫn lo và in được nhưng giá sẽ cao gấp đôi và thời gian in mất mười ngày”.
Để chứng minh khả năng có thể lách luật để in tem chống hàng giả của mình, bà L. cho chúng tôi xem hàng loạt hợp đồng, bản thảo mẫu tem đã thực hiện giữa công ty bà và các doanh nghiệp. Bà L. nói nhiều doanh nghiệp thiếu thủ tục đều được bà hỗ trợ hết mình, và đưa ra một mẫu tem chống hàng giả của một khách hàng “đặc biệt” là doanh nghiệp H chuyên nhập khẩu mỹ phẩm nhãn hiệu F từ Đài Loan (Trung Quốc). Bà cho biết doanh nghiệp này đã phải tìm đến đây in tem chống hàng giả để bảo vệ sản phẩm được nhập về chính hiệu của mình(?).
Khác với bà L, ông C. (ngụ đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú) tuyên bố không cần thủ tục mà vẫn có tem chống hàng giả bằng cách… in giả vì tại đây có máy in riêng. Nếu bên bà L. tem chỉ ghi ba chữ viết tắt “BCA” thì tem của ông C. ghi thoải mái dòng chữ “Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an”. Ông C. cho biết sẵn sàng in tem chống hàng giả theo mọi yêu cầu, thiết kế của khách hàng mang lại. Chúng tôi phải hẹn mấy lần mới gặp được ông C. vì ông cho biết rất bận rộn, đang đi tiếp khách hàng có nhu cầu in tem chống hàng giả ở các tỉnh(?).
Chúng tôi đặt thẳng nhu cầu cần in tem chống hàng giả cho lô hàng điện thoại nhập lậu không giấy tờ, ông C. nhiệt tình: “Từ tem chống hàng giả của Bộ Công an đến tem của Viện Khoa học hình sự tui in được hết, máy in tui đặt bên quận 7 nên không ai dòm ngó”. Nói đoạn, ông C. cho chúng tôi xem rất nhiều loại tem chống hàng giả do cơ sở của ông tự thiết kế mẫu và tự in cho khách hàng.
Trong đó có nhiều loại tem thể hiện cơ quan in là Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự… Ông quảng cáo một loại tem “độc” của cơ sở mình, in theo yêu cầu của doanh nghiệp DG. Trên con tem này phần nội dung nổi có logo, tên công ty và cơ quan in là Viện Khoa học hình sự. Phần in chìm, phản quang khi rọi đèn là chữ “Bộ Công an”, hai cơ quan chuyên in tem chống hàng giả này hoàn toàn độc lập nhau nhưng vẫn nằm chung trên một con tem chống hàng giả. Ông C. giải thích sở dĩ có sự khập khiễng trên là do khách đặt in như thế.
Giá in tem chống hàng giả của ông C. đưa ra khá mềm là 6 triệu đồng cho 100.000 tem chống hàng giả của một trong hai cơ quan in tem chống hàng giả là Bộ Công an và Viện Khoa học hình sự. Nhưng nếu có thêm phần phát quang để phân biệt tem chống hàng giả thì phải cộng thêm 3 triệu đồng do kỹ thuật in và máy in cao cấp hơn.
Chúng tôi đặt yêu cầu in tem chống hàng giả loại “độc” giống như tem của doanh nghiệp DG, chỉ khác ở chỗ sẽ thay bằng logo và thương hiệu của một công ty sản xuất điện thoại di động danh tiếng hiện nay, ông C. đồng ý ngay. Ông C. ra giá: “Do hiện nay khách hàng của tôi quá đông nên thời gian in sẽ khoảng năm ngày kể từ khi chúng tôi ký hợp đồng và khách đặt cọc 40% giá trị hợp đồng in”.
ĐỨC THANH – VŨ THANH BÌNH
Tem giả được dán lên hàng không rõ nguồn gốc
Chúng tôi lần theo địa chỉ từ một mẫu tem chống hàng giả do Công ty L in để dán lên sản phẩm mỹ phẩm F của Công ty H nhập từ Đài Loan (Trung Quốc) và tìm ra sản phẩm này bán tại chợ An Đông (Q.5). Một hộp kem làm trắng da và trị mụn F có giá 505.000 đồng, tuy nhiên nguồn gốc không rõ ràng vì không có số đăng ký chất lượng, giấy phép nhập khẩu.
Bên ngoài vỏ cũng như tờ hướng dẫn sử dụng được in sơ sài, sai chính tả… Khi chúng tôi vào trang web của nhà sản xuất (một công ty thuộc lãnh thổ Đài Loan) cũng không tìm thấy sản phẩm này. Một công ty khác là N cũng sử dụng tem giả của Công ty L phân phối một loại mỹ phẩm của Pháp, nhưng tìm hiểu thì thấy đây chỉ là sản phẩm nhái hàng chính hãng, không hề được giao quyền phân phối. Địa chỉ của công ty này tại Q.10 đã được đổi và không biết công ty hiện đang “trôi nổi” nơi nào.