Việc ban hành một loạt các quy định mới trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) ngành gạo, đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.
Tình hình xuất khẩu gạo hiện nay đang là rất khả quan:
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Tín hiệu vui là sản phẩm của Việt Nam có mức giá cao hơn đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 50-100 USD/tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo thế giới tăng. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại sản xuất lúa và xuất khẩu gạo theo hướng giảm gạo phẩm cấp thấp và trung bình tăng mạnh gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo đặc sản đã góp phần quan trọng đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên.
Đáng chú ý chất lượng gạo của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đây là hiệu quả từ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. DN không chỉ thu mua mà tham gia liên kết nông dân để thành những vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất. Chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhiều thị trường. Bộ NN&PTNT đặt ra kế hoạch, đến năm 2020, tỷ trọng gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo Việt có nhiều cơ hội những tháng cuối năm khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 500 nghìn tấn gạo vào tháng 12/2018. Trong khi, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn các đối thủ như Việt Nam, Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu từ vụ mùa hiện tại. Nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao.
Không chỉ vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP và sau đó là Thông tư 30/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương với những quy định mở hơn về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích đối với mặt hàng nông sản chủ lực này.
Cơ hội bứt phá cho ngành xuất khảo gạo:
Tại Thông tư số 30/2018/TT-BCT do Bộ Công Thương mới ban hành Quy định chi tiết một số điều trong Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có quy định, trong trường hợp từ 2 thương nhân trở lên, được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên. Khi cơ quan có thẩm quyền, hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài được chỉ định yêu cầu mỗi đợt đấu thầu nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung chỉ có 1 thương nhân được tham gia ký kết, giao dịch hợp đồng.
Bộ Công Thương cũng phân bổ chỉ tiêu cho các thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên 3. Theo đó, các thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên được trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung, khi ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện 2/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung. Còn các thương nhân đầu mối không tham gia ký kết hợp đồng tập trung được được phân bổ thực hiện 1/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung.
Cũng theo Thông tư 30/2018/TT-BCT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu ủy thác cho các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được cấp theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Trong trường hợp thương nhân không thực hiện được toàn bộ hoặc một phần chỉ tiêu ủy thác đã được phân bổ, phải có văn bản trả lại chỉ tiêu đó gửi cho các thương nhân đầu mối và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong vòng 3 ngày, kể từ ngày có quyết định phân bổ chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Quá thời hạn trên, thương nhân bị xác định là không thực hiện chỉ tiêu ủy thác.
Trên cơ sở tổng hợp lượng gạo mà các thương nhân trả lại chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu hoặc không thực hiện, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ lại cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác hoặc cho thương nhân đầu mối giao dịch, ký kết hợp đồng.
Trong trường hợp phân bổ lại cho các thương nhân đầu mối trong cơ chế đầu mối luân phiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung thực hiện 2/3 lượng gạo, các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng tập trung thực hiện 1/3 lượng gạo.
Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, thương nhân báo cáo Bộ Công Thương tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Định kỳ vào thứ 5 hàng tuần, thương nhân báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018 tới và bãi bỏ Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo./.