Trước hết để hiểu bảo vệ thương hiệu là gì chúng ta cần phải hiểu thương hiệu là gì?
Như vậy thương hiệu là một thuật ngữ với nội hàm rộng. Trước hết đó là một hình tượng về hàng hoá hoặc doanh nghiệp; mà đã là hình tượng thì chỉ có cái tên, cái biểu trưng thôi chưa đủ để nói lên tất cả. Yếu tố quan trọng ẩn đằng sau là làm cho những cái tên, cái biểu trưng đó đi vào tâm trí khách hàng chính là chất lượng hàng hoá, dịch vụ; cách ứng xử của doanh nghiệp với khách hàng và với cộng đồng; những hiệu quả và tiện ích đích thực cho người tiêu dùng do những hàng hoá và dịch vụ đó mang lại… Những dấu hiệu là cái thể hiện ra bên ngoài của hình tượng. Thông qua những dấu hiệu (sự thể hiện ra bên ngoài đó), người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng hoá của doanh nghiệp trong muôn vàn những hàng hoá khác. Những dấu hiệu còn là căn cứ để pháp luật bảo về quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quan điểm trên thì thương hiệu là tất cả các dấu hiệu có thể tạo ra một hình ảnh riêng biệt và rõ nét của hàng hoá, dịch vụ hay cho chính doanh nghiệp; thương hiệu không chỉ đơn thuần là nhãn hiệu mà nó rộng hơn. Các dấu hiệu trong thương hiệu có thể là phần phát âm được như tên thương hiệu (Biti’s, P/S, VNPT…) hoặc khẩu hiệu (VNPT – Cuộc sống đích thực…), cũng có thể là phần không phát âm được như biểu trưng, biểu tượng, cũng có thể là âm thanh (các đoạn nhạc, tín hiệu…); những dấu hiệu này cũng có thể là kiểu dáng đặc biệt của bao bì hay hàng hoá.
Một thương hiệu có thể bao gồm cả nhãn hiệu, cũng có thể bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá, phần phân biệt trong tên thương mại, thậm chí gồm cả yếu tố thuộc về kiểu dáng công nghiệp, đôi khi chúng còn bao gồm cả yếu tố về bản quyền tác giả. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, không phải cứ nói đến thương hiệu là gộp chung tất cả các yếu tố trên. Việc sử dụng các yếu tố thương hiệu của doanh nghiệp rất đa dạng, phụ thuộc vào chiến lược thương hiệu mà doanh nghiệp áp dụng. Một thương hiệu có thể bao gồm tất cả các yếu tố trên hoặc chỉ một vài yếu tố. Thương hiệu thường được đặc trưng bởi tên gọi riêng, biểu trưng hay biểu tượng, song tính bao trùm của thương hiệu được thể hiện khi có thêm khẩu hiệu đi kèm, hay các yếu tố kiểu dáng, bao bì hàng hoá.
Vấn đề đặt ra cho các nhà quản trị thương hiệu là làm thế nào để người tiêu dùng có thể nhận biết tốt nhất hàng hoá của doanh nghiệp trong muôn vàn hàng hoá cùng loại khác, định hình tốt nhất trong tâm trí người tiêu dùng hình ảnh về hàng hoá trong khi hàng ngày, bộ não của khách hàng phải thu thập và tiếp nhận rất nhiều những thông tin, hình ảnh về những loại hàng hoá khác nhau. Sự kết hợp khôn khéo các yếu tố thương hiệu sẽ, một mặt, tạo ra những thông điệp quan trọng chỉ dẫn khách hàng trong lựa chọn hàng hoá, mặt khác còn tạo ra những rào cản nhất định hạn chế sự xâm phạm thương hiệu và nâng cao khả năng bảo hộ của luật pháp đối với các yếu tố cấu thành thương hiệu.
Thương hiệu là một công cụ quản lý có thể tạo ra giá trị trong kinh doanh. Thương hiệu mạnh là tài sản quý giá của doanh nghiệp, nó luôn mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp bởi nhiều lý do: doanh thu cao hơn nhờ sự trung thành của khách hàng và thị phần lớn; thương hiệu mạnh có thể duy trì được giá cao và tránh được sự giảm giá quá mức; tài sản thương hiệu mạnh có thể được mở rộng ra các thị trường khác…
Để xây dựng được thương hiệu mạnh, đòi hỏi phải có thời gian, sự đầu tư, kiên trì và một chút may mắn. Thương hiệu mạnh sẽ góp phần tạo dựng lợi thế cạnh tranh và lòng trung thành của khách hàng, từ đó sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi tức cao hơn cho các cổ đông. Khi các doanh nghiệp có những thương hiệu mạnh, họ cần phải bảo vệ tài sản thương hiệu của họ.
Để bảo vệ các lợi ích do thương hiệu mang lại, doanh nghiệp cần phải đăng ký bản quyền sử dụng thương hiệu của mình trên thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài. Một thương hiệu khi đã đăng ký bản quyền trở thành một tài sản của doanh nghiệp được luật pháp bảo hộ quyền sử dụng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những thương hiệu mạnh đã có tiếng tăm trên thị trường.
Các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường, nếu doanh nghiệp không đăng ký bản quyền sẽ là đối tượng để các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khác có thể đăng ký bản quyền của họ và bán sản phẩm tương tự dưới các thương hiệu này. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ mất quyền sử dụng thương hiệu và phải tranh chấp, kiện tụng để đòi lại thương hiệu gây tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức. Vì vậy, trong chiến lược phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp cần đăng ký bản quyền theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo điều 788 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập theo văn bằng bảo hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Hình thức đăng ký bảo hộ thương hiệu là ghi nhận thương hiệu và chủ sở hữu vào sổ đăng ký quốc gia về thương hiệu sản phẩm và cấp giấy đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm cho chủ sở hữu.
Từ thực tiễn kinh doanh, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng nền kinh tế càng phát triển, cạnh tranh càng gay gắt thì càng phải bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình để đảm bảo giữ vững và phát triển kinh doanh. Khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có quyền độc quyền sử dụng thương hiệu đã được đăng ký của mình, có quyền chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu sản phẩm, và quyền tiến hành hoạt động pháp lý chống lại những hành vi xâm phạm thương hiệu đã đăng ký.