Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý 3 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Tham dự hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính; đại diện các bộ, ngành, lực lượng thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, quý 3/2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm (tăng 22,82% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong số này có 7.032 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 34.897 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Qua xử lý, các lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước 3.938 tỷ đồng (tăng 58,05% so với cùng kỳ năm 2022), khởi tố 94 vụ (giảm 45,98% so với cùng kỳ năm 2022), 220 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022).
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh vẫn còn diễn ra phức tạp, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng.
Các đối tượng kinh doanh lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kinh doanh trên ứng dụng mạng xã hội, do thiếu cơ sở pháp lý.
Các hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng giả theo phương thức truyền thống trên tuyến biên giới phía Bắc như mang vác nhỏ lẻ qua đường mòn, lối mở, trao đổi cư dân biên giới giảm mạnh. Tuy nhiên, nổi lên các đối tượng lợi dụng các thủ đoạn kinh doanh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xé lẻ, trà trộn với hàng hóa khác, sử dụng hóa đơn chứng từ khống, sản phẩm nước ngoài thay nhãn mác cơ sở sản xuất trong nước; lợi dụng sự thiếu thông tin người tiêu dùng, các đối tượng đã lựa chọn các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao để sản xuất, buôn bán hàng giả.
Triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia biểu dương kết quả của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quý 3.
Trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ. Cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị các lực lượng chức năng tập trung xác định rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp cần khắc phục.
Thứ hai, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022; thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 92 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Thứ ba, từ nay đến cuối năm 2022 khi tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, cần tăng cường tuyên truyền để lan tỏa các cá nhân, tập thể tốt trong công tác này, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn, các vụ việc do lực lượng chức năng bắt giữ.
Thứ tư, xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo sức mạnh đồng bộ, tập trung quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.