(Dân trí) – “Nếu cơ quản quản lý của Nhà nước không có các giải pháp để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái… sẽ làm làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt, các doanh nghiệp Việt cũng không yên tâm sản xuất kinh doanh…”
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong Hội nghị “Nhìn lại một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được tổ chức mới đây sau khi nhiều doanh nghiệp (DN) lên tiếng kêu cứu vì bị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chèn ép.
Hàng lậu, hàng giả, nhái đua nhau chèn ép hàng Việt
Tại hội nghị, đại diện Công ty sản xuất mũ bảo hiểm Chí Thành cho biết, sản phẩm mũ bảo hiểm của công ty mặc dù có chất lượng cao nhưng lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm kém chất lượng đang được bày bán tràn lan trên thị trường.
Theo công bố của các cơ quan chức năng, mũ bảo hiểm kém chất lượng có thể gây nguy hại cho người dân như: sử dụng nhựa tái sinh và chất liệu có thể gây ung thư, không có khả năng bảo vệ người đội mũ trong trường hợp gặp tai nạn…
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi với các loại sản phẩm kém chất lượng bởi các sản phẩm này do không phải đầu tư nhiều về công nghệ, làm từ nguyên liệu rẻ tiền nên có giá chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chiếc (rẻ hơn từ 3 – 8 lần so với mũ có thương hiệu).
Hơn nữa, các sản phẩm này vẫn tiếp cận được người tiêu dùng rất dễ dàng vì được bày bán tràn lan từ các chợ đến trên đường phố mà chẳng bị cơ quan chức năng nào xử lý…
“Các sản phẩm càng có tiếng uy tín, thương hiệu thì càng dễ bị làm giả, làm nhái. Người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả vì tâm lý thích mua hàng giá rẻ hơn nữa lại ít quan tâm đến chất lượng”… – đây là ý kiến của Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Giấy Sài Gòn.
Thậm chí, nhiều mặt hàng điển hình như hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới nhưng thực tế lại bị cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên “sân nhà”.
Bà Nguyễn Hồng Hương, Giám đốc chuỗi siêu thị Vinatex nhận xét: “Sự tràn lan của hàng ngoại nhập, đặc biệt hàng nhập lậu, hàng giá rẻ đã hình thành tâm lý dễ tính và sính hàng ngoại nơi người tiêu dùng”.
Hỗ trợ doanh nghiệp để hướng về thị trường trong nước
Từ thực tế trên, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Khó mà thuyết phục được DN đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh khi thị trường tràn ngập hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế.
Điều đó có thể lý giải vì sao hàng hóa của Việt Nam chưa có vị trí vững chắc trong nhận thức của người dân và phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu.
Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, mặc dù đã có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã nhưng nhìn chung hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đơn điệu, chất lượng hạn chế, giá thành cao. Giá của một loại hàng hóa có cùng mẫu mã nhưng hàng Việt Nam thường có giá cao hơn từ 10 – 20%, mẫu mã thay đổi ít.
Chế độ bảo hành thường không được thực hiện nghiêm túc, chỉ làm qua loa, chiếu lệ. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá sản phẩm chưa chuyên nghiệp… Điều này cũng góp phần làm cho người tiêu dùng mất lòng tin.
Bởi vậy, theo ông Bá, Nhà nước phải giúp DN các giải pháp công nghệ, tăng cường hệ thống giám sát và chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam. Có chế tài xử lý thật nghiêm những vi phạm về hàng giả, hàng nhái…
Nhà nước tập trung vào những giải pháp chính sách thuộc nhóm kích cầu đầu tư như miễn, giảm, giãn các loại thuế VAT cho hàng hóa là tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng; giảm hơn nữa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp hàng Việt Nam hướng về thị trường trong nước…