Quyết định 68/2005/QĐ-TTg (04/04/2005) | |||||||||||||||
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, QUYẾT ÐỊNH : Ðiều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp với những nội dung chính sau đây: 1. Mục tiêu của Chương trình: a) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; b) Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có các sản phẩm chiến lược, có tiềm năng xuất khẩu. 2. Nội dung của Chương trình a) Tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ: – Tổ chức tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp trong các chuyên mục thường xuyên về sở hữu trí tuệ và chương trình dành cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, Bộ, ngành, địa phương; – Tổ chức các cuộc hội thảo, đào tạo tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương; – Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; – Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ: hướng dẫn xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (bao gồm tổ chức bộ máy, nhân lực, đầu tư, các hoạt động cần thiết để xây dựng, xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức hoặc người khác); – Thiết lập và vận hành cơ chế thường trực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ. b) Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước : – Cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị của các đối tượng sở hữu trí tuệ: biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ ở trong nước và ngoài nước; cung cấp, hướng dẫn khai thác các nguồn thông tin của hệ thống sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; – Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp: phổ biến kiến thức, yêu cầu về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu; – Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý hỗ trợ đánh giá đặc sản của địa phương nhằm xác định sự cần thiết phải bảo hộ; xác định chủ thể quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; xác định tính đặc thù của sản phẩm mang địa danh; lựa chọn hình thức bảo hộ và tiến hành các thủ tục xác lập quyền; tổ chức quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý và phát triển giá trị chỉ dẫn địa lý; – Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với thành quả sáng tạo khoa học – công nghệ: khuyến khích lao động sáng tạo trong doanh nghiệp; đưa thông tin sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học – công nghệ; xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo khoa học – công nghệ; – Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển giá trị của giống cây trồng mới: tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và quản lý việc khai thác giống cây trồng mới; hỗ trợ hoạt động quảng cáo, giới thiệu giống cây trồng mới; – Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của phần mềm máy tính và tác phẩm văn học – nghệ thuật: tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và tiến hành các biện pháp chống sao chép hoặc sử dụng trái phép phần mềm máy tính, tác phẩm văn học – nghệ thuật; hỗ trợ hoạt động quảng cáo, giới thiệu phần mềm máy tính và các tác phẩm văn học – nghệ thuật. c) Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ : – Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, sản phẩm thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; – Tổ chức, hướng dẫn khai thác các nguồn thông tin sẵn có; – Tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp; – Tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp. Ðiều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình 1. Thời gian thực hiện Chương trình: từ 2005 – 2010. 2. Ban Chỉ đạo Chương trình a) Ban Chỉ đạo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Chương trình. b) Ban Chỉ đạo Chương trình gồm: – Trưởng ban là một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; – Các thành viên bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tư pháp. c) Ban Chỉ đạo Chương trình hoạt động theo Quy chế do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. 3. Tổ chức thực hiện Chương trình: a) Cơ quan chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ; b) Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Ðào Tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội; hội ngành nghề liên quan; c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý tài chính của Chương trình theo quy định hiện hành. 4. Kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện Chương trình a) Kế hoạch thực hiện Chương trình: – Năm 2005 – 2006: hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Chọn và tập trung chỉ đạo việc triển khai một số dự án điểm; – Năm 2006 – 2010: tiếp tục hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Phổ biến, nhân rộng mô hình các dự án điểm; – Năm 2007: sơ kết tình hình thực hiện Chương trình; – Năm 2010: tổng kết kết quả thực hiện Chương trình. b) Biện pháp tổ chức thực hiện Chương trình: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng các dự án thực hiện các nội dung của Chương trình và tổ chức phê duyệt, nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện các dự án này; định kỳ hàng năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình. 5. Cơ chế quản lý Chương trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng cơ chế quản lý Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðiều 3. Kinh phí thực hiện Chương trình 1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình: a) Ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương). b) Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 2. Hàng năm Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình. 3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt phần kinh phí thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương. 4. Các cơ quan quy định tại điểm b khoản 3 Ðiều 2 Quyết định này có trách nhiệm huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nội dung chương trình được phân công. Ðiều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Ðiều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hội nghề nghiệp và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|