Sắp tới đây, Chương trình Hỗ trợ mua sắm, kích cầu tiêu dùng hàng hoá sản xuất trong nước sẽ được triển khai với mục tiêu nâng cao sức mua của người dân, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Bên cạnh những hiệu quả thiết thực mà Chương trình sẽ đem lại, cũng đặt ra nhiều băn khoăn liệu có kích cầu trúng với mục tiêu đặt ra, hay vô hình chung sẽ “kích cầu” cả những mặt hàng giả, hàng nhái đang “lấn sân” hàng nội.
Tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do Ban Chỉ đạo 127TW tổ chức vào cuối tháng 3/2009 đã cảnh báo tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn cách thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ và nhập khẩu từ bên ngoài. Thị trường trong nước đã xuất hiện thêm nhiều loại hàng giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, các loại dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khoẻ người dân và môi sinh, môi trường. Mặc dù lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, bộ đội biên phòng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn mặc nhiên tung hoành và được bày bán công khai bên cạnh hàng thật. Tính riêng trong năm 2008, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 18 nghìn vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ 268 vụ hàng giả, trong đó đặc biệt nổi lên là các vụ làm phân bón giả, sang triết ga trái phép, làm thuốc tân dược giả.
Theo lời một chuyên gia đã có thâm niên trong công tác chống hàng giả hàng nhái thì, các loại hàng hoá bị làm giả hiện nay rất khó nhận biết nếu không có đầy đủ kiến thức. Mặt hàng nào càng bán chạy, thì càng hay bị làm giả, làm nhái. Cũng theo chuyên gia này, tốc độ sản xuất hàng giả hiện nay được rút xuống chỉ còn 1 tháng (trước đây là 7 – 8 tháng). Điều đó lý giải tại sao, nhiều doanh nghiệp luôn phải than phiền, sau mỗi lần tung ra các sản phẩm mới, thì ngay lập tức xuất hiện trên thị trường các sản phẩm được làm giả tương tự với sản phẩm của họ. Đặc biệt, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc có thời điểm đã phát hiện tới gần 40 loại sản phẩm bị làm nhái, mặc dù đã chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác này. Tệ hại hơn, có doanh nghiệp dệt may còn phát hiện tới hơn 100 cửa hàng bán sản phẩm may sẵn đã treo các bảng hiệu mập mờ nhái thương hiệu của mình và một số đại lý trong hệ thống đã đưa hàng từ ngoài vào bán, gắn mác của doanh nghiệp…
Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái (VATAP) cho biết: hàng giả, hàng nhái được đưa vào tiêu thụ trên thị trường theo 3 nguồn: từ nước ngoài đưa vào, người trong nước ra nước ngoài đặt sản xuất và các cơ sở trong nước làm giả. Hàng giả từ nước ngoài đưa về chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan. Tại các cửa khẩu, do yêu cầu thông quan nhanh, hàng giả “hiên ngang” tràn vào thị trường trong nước qua con đường chính ngạch. Hàng giả còn được “hợp thức” thành hàng nội địa bằng hình thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm, qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn, mác mới của các thương hiệu có uy tín trong nước. Xu hướng hình thành các làng nghề chuyên hoàn thiện hàng giả tập trung xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, sau đó đưa về các địa phương khác tiêu thụ cũng ngày càng gia tăng. Đây là những hiện tượng biến tướng khá nhức nhối đã được dư luận xã hội và các lực lượng thực thi “vạch mặt, chỉ tên” không ít lần, nhưng rồi lại đâu vào đấy, thậm chí còn phát triển mạnh hơn. Một doanh nghiệp đã phải than thở “càng chống, hàng giả càng tăng!”.
Làm thế nào để đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái
Câu hỏi này đã được đặt ra tại không ít các cuộc hội thảo được tổ chức hàng năm và là đề tài làm tốn thêm nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí. Thực trạng này nếu không có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, sẽ nguy hại không chỉ đến từng cá thể người tiêu dùng, đến doanh nghiệp, mà còn phương hại đến nền kinh tế của một quốc gia. Chính vì vậy, mới có sự lo ngại, chúng ta sẽ kích cầu nhầm cả những mặt hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng…
Lý giải về những nguyên nhân tồn tại hàng giả, hàng nhái nhiều năm nay, từ các nhà sản xuất, người tiêu dùng đến các cơ quan quản lý đều chung ý kiến, chế tài xử lý hành chính và xử phạt hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Việc giám định và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng sau khi bắt được cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí, dẫn đến những hạn chế trong giải quyết các vụ việc. Trước đây, công tác giám định hàng vi phạm sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Bản quyền thực hiện, nhưng hiện nay, 2 cơ quan đó đang trong tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên còn nhiều vấn đề phải xem xét, giải quyết. Nhiều vụ bắt hàng xong, không biết phải đưa tang vật đi giám định ở đâu và kinh phí giám định lấy ở đâu? Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo cũng còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Do vậy, 3 năm nay, công tác chống hàng giả, hàng nhái vẫn bị “tắc lại”- ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội VATAP cho biết.
Để ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ hàng sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm, bên cạnh đó nhà sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý cũng cần phải có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ thì công tác chống hàng giả, hàng nhái mới đạt được những kết quả như mong đợi.
Được biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương chuẩn bị soạn thảo Nghị định về chống hàng giả. Theo đó, sẽ có những đánh giá và khái niệm rõ ràng thế nào là hàng giả, hàng nhái, cùng những quy định về bao bì và kiểu dáng công nghiệp sản phẩm… Ban Chỉ đạo 127 TW cũng sẽ cùng với các bộ, ngành rà soát lại các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật, kể cả chức năng nhiệm vụ, tài chính, cơ chế kiểm soát để đẩy mạnh các biện pháp chống hàng giả vừa chặt chẽ, đủ mạnh, có tính răn đe cao, với hy vọng lập lại trật tự trên mặt trận rất cam go này.
(Theo báo Công Nghiệp)