Thương hiệu là một điều mơ ước đối với mỗi DN. Lãnh đạo DN nào cũng khao khát có ngày tên tuổi DN mình sẽ nổi bật như Toyota, Gucci, Samsung, Nokia… nhưng xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ đâu lại là một ẩn số đặc thù đối với mỗi ngành nghề hàng hóa khác nhau. Trong khi các DN đang loay hoay và nỗ lực xây dựng thương hiệu cho mình thì dường như việc đánh cắp và xâm hại lại quá dễ dàng.
Trong thực tế, ai ai cũng thích thương hiệu, sưu tầm đồ hiệu – xe hiệu – nhà hiệu. Nhưng lại có một nghịch lí là không ít người trong số đó thích… làm hàng giả, hàng nhái và đầu cơ buôn bán hàng kém chất lượng. Ai cũng biết Trung Quốc là “thiên đường hàng nhái”, có lẽ nhìn mãi, dùng mãi hàng nhái thành quen nên có câu chuyện hài hước là khi ông chủ của Cty Cá sấu VN mang hàng cá sấu thật đến Hội chợ tại Trung Quốc thì khách hàng lắc đầu bảo: “Cá sấu giả”! Vậy mới biết người biết đồ thật cũng rất hiếm hoi! Và hậu quả là “Gậy ông đập lưng ông”, chính họ cũng bán tín bán nghi không biết đồ mình mặc là thương hiệu thật hay chì là… đồ “dởm”?
Hiện nay có nhiều cách “ăn cắp” thương hiệu như: Làm giống sản phẩm của thương hiệu uy tín từ kiểu dáng, mẫu mã đến logo. Đến tên gọi cũng “từa tựa” để gây sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng; Làm giả hoàn toàn sản phẩm từ kiểu dáng, logo, tên gọi…
Trước những vấn nạn “ăn cắp” này, thương hiệu cần được bảo vệ bằng những cơ sở pháp lý chặt chẽ và việc thực thi pháp luật nghiêm túc. Đơn giản như trường hợp mũ bảo hiểm dởm. Tại sao không chặn từ khâu sản xuất mà lại phạt người dân khi họ đội mũ bảo hiểm dởm? Bởi thế, trước khi có một hành lang pháp lý đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tế, các DN phải tự cứu mình trước bằng cách đăng ký quyền bảo hộ sáng chế.
Kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu của Cty Cá Sấu VN cho thấy: yếu tố hàng đầu là người lãnh đạo phải hiểu thấu đáo được tất cả những giá trị nằm trong sản phẩm của mình và giúp người tiêu dùng cũng hiểu về những giá trị ấy để bản thân khách hàng là những người phát giác hàng giả, hàng nhái đầu tiên. Tiếp đó là kiểm soát được chặt chẽ các khâu để tránh phát sinh những sự cố ngoài ý muốn.
Với hầu hết các mặt hàng của đất nước, những giá trị văn hoá – lịch sử nằm sẵn trong bản thân mỗi sản phẩm. Nhưng xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm lại nằm ở yếu tố con người: người lãnh đạo DN, người thợ, người tiêu dùng… Những con người đó trước tiên phải biết yêu mình, biết làm cho người khác yêu quý tôn trọng bản thân mình.
VN đã bắt đầu có nhiều thương hiệu bay xa: FPT, Trung Nguyên, Bitis, XQ VN … những DN này họ đã tìm được cách giải ẩn số cho riêng mình. Những DN ấy đều gặp nhau ở ba yếu tố Lịch sử – Văn hóa – Tình yêu, và đó cũng là con đường mà nhiều DN, trong đó có Cty Cá sấu VN đang vững vàng bước đi.
Việc xây dựng thương hiệu đã trở thành vấn đề sống còn của DN bởi phần lớn DN Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ, khả năng định vị trên thị trườngcòn yếu. Hiện tại chính là thời điểm các DN Việt Nam cần tìm cách nâng cao uy tín và thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường, mà trước hết là thị trường trong nước.
Việc xây dựng thương hiệu hiện nay đã không còn là chuyện của các DN mới thành lập mà ngay cả những DN có thương hiệu đã nổi tiếng, có tuổi đời hàng chục năm cũng sẵn sàng thay đổi hệ thống nhận dạng thương hiệu của mình cho phù hợp với chiến lược phát triển của DN trong từng giai đoạn. Trong tiến trình xây dựng thương hiệu, các DN cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu của DN mình.
Việc bảo vệ thương hiệu bao gồm khía cạnh xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và thực thi quyền SHTT. Việc xác lập quyền SHTTđược thực hiện theo Luật về SHTT 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Như được quy định trong Điều 6 Luật SHTT 2005, nhãn hiệu được bảo hộ trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký Cục SHTT cấp, trong khi đó tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT còn được xác lập trên cơ sở pháp luật cạnh tranh.
Các quy định về thực thi quyền SHTT được đề cập chủ yếu trong pháp luật về SHTT, pháp luật về cạnh tranh và Bộ luật Hình sự 1999. Điều 129 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tên thương mại bị xử lý vi phạm theo pháp luật về SHTT, bao gồm các hành vi sau.
(i) sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
(ii) sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; hoặc
(iii) sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; và
(iv) sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Điều lưu ý là mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Các biện pháp xử lý vi phạm theo pháp luật SHTT bao gồm các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật SHTT và các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể bao gồm các điểm sau:
a. Các biện pháp xử phạt hành chính: phạt cảnh cáo và phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền SHTT còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu hàng hoá vi phạm, nguyên vật liệu và phương tiện sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá; hoặc đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy.
Ngoài ra các biện pháp buộc khắc phục hậu quả cũng được áp dụng đối với các hành vi vi phạm nói trên. Mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng
b. Các biện pháp dân sự: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; và buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.
Thiệt hại bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại thực tế về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong trường hợp không thể xác định được thiệt hại thực tế về vật chất theo các bằng chứng chứng minh của bên bị vi phạm (nguyên đơn) thì mức bồi thường thiệt hại sẽ do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500 triệu đồng.
Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần được tòa án quyết định trên cơ sở yêu cầu và chứng minh của nguyên đơn trong phạm vi từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
c. Các hình phạt hình sự được áp dụng đối với người phạm tội về SHTT bao gồm phạt tiền với mức cao nhất tới 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ tới 2 năm hoặc phạt tù tới 3 năm.
*> Quy trình đăng ký thương hiệu tại Việt Nam
Việc đăng ký bảo hộ và sử dụng thương hiệu trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được quy
định trong nhiều bộ luật: Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996, Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 07/06/2003 của Chính phủ, Thông tư 3055-TT/SHCN của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên của Công ước Paris, Hiệp định Madrid, nên các doanh nghiệp Việt nam cũng có thể đăng ký bảo hộ và sử dụng thương hiệu ở những nước thành viên của Công ước và Hiệp định này. Các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá trên phạm vi quốc gia hoặc quốc tế, tuỳ thuộc vào phạm vi hoạt động kinh doanh của mình. Theo đó, quy trình đăng ký được chia ra theo thể thức quốc gia hoặc quốc tế.
Để được bảo hộ trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần đăng ký bảo hộ theo thể thức Việt Nam. Thế nhưng, để một thương hiệu được chấp nhận ở nước ngoài, theo quy định của hầu hết các nước, thương hiệu đó phải được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu theo quy định về đăng ký thương hiệu ở các nước này hoặc theo quy định của các Hiệp ước hoặc Thoả ước quốc tế mà Việt Nam và nước mà chủ sở hữu muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu là thành viên tham gia hoặc theo quy định trong các hiệp định song phương liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá theo thể chế quốc gia sẽ không được bảo hộ ở nước ngoài, nhưng có nhiều thoả thuận ở khu vực và quốc tế khác nhau có thể cho phép thương hiệu hàng hoá đó được bảo hộ ở nước ngoài, thông qua việc nộp đơn độc lập ở mỗi nước, nơi doanh nghiệp dự định sử dụng thương hiệu đó trên thị trường.
*> Nội dung đăng ký bảo vệ thương hiệu
Xác định kiểu loại thương hiệu hàng hoá, nội dung của thương hiệu hàng hoá cần đăng ký bảo hộ
Đối với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá, các doanh nghiệp trước hết phải lựa chọn thương hiệu. Đây là một quyết định có tính sáng tạo nhằm tạo ra một thương hiệu có tên và biểu tượng tạo ấn tượng cao đối với khách hàng. Tuy nhiên, nếu các thương hiệu này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp, thì thương hiệu không thể sử dụng được. Lựa chọn một thương hiệu thường gắn liền với kết quả của quá trình xác định thị trường mục tiêu và đánh giá khả năng cạnh tranh.
Thông thường để lựa chọn tên và biểu tượng thương hiệu, các doanh nghiệp lập danh mục các dấu hiệu có thể, sau đó tiến hành điều tra phản ứng của thị trường; trên cơ sở đó tổng hợp các dấu hiệu nhận được sự ủng hộ cao nhất. Các dấu hiệu này cần được cụ thể hoá cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Sau khi đã lựa chọn một số dấu hiệu cụ thể, các doanh nghiệp tiến hành phân tích các dấu hiệu cạnh tranh nhằm hai mục đích:
– Thứ nhất, tránh sự nhầm lẫn giữa thương hiệu mới và thương hiệu cũ đã tồn tại;
– Thứ hai, nhằm học cách đặt tên của những thương hiệu nổi tiếng.
Những dấu hiệu tốt nhất còn lại cần được chứng minh là có ý nghĩa thứ hai khác với nghĩa đen của nó. Điều này nhằm đảm bảo cho các dấu hiệu được lựa chọn là những dấu hiệu mạnh đáp ứng yêu cầu của luật pháp về thương hiệu. Dấu hiệu mạnh nhất sẽ được lựa chọn thiết kế làm thương hiệu để đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền.
Việc thiết kế thương hiệu hàng hoá cần đáp ứng được những yêu cầu nhất định. Thông thường khi thiết kế thương hiệu hàng hoá, ngoài các yêu cầu chung, các doanh nghiệp phải quan tâm đến tính độc đáo, tính dễ nhận biết của thương hiệu. Khi đáp ứng được yêu cầu trên, thương hiệu hàng hoá mới có khả năng thực hiện các chức năng phân biệt. Sau đây là một số dấu hiệu không có khả năng phân biệt của một thương hiệu:
– Các hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, tập hợp chữ cái không có khả năng phát âm như từ ngữ, trừ trường hợp doanh nghiệp đã sử dụng rộng rãi và được người tiêu dùng thừa nhận.
– Biểu tượng, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ
– Dấu hiệu mang tính mô tả hoặc làm hiểu sai lệch về hàng hoá, dịch vụ (thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị, xuất xứ).
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với dấu hiệu chất lượng, kiểm tra, bảo hành. Đặc biệt thương hiệu hàng hoá không được phép chứa những dấu hiệu không phù hợp với trật tự công cộng hoặc đi ngược với đạo đức xã hội.
Để tránh lãng phí, trước khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp phải kiểm tra xem thương hiệu mà doanh nghiệp định đăng ký đã có ai đăng ký hay chưa. Muốn vậy, các doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về thương hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã nộp đơn đăng ký trên công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng; đăng bạ quốc gia và đăng bạ quốc tế về thương hiệu hàng hoá (Lưu trữ tại cục sở hữu trí tuệ); cơ sở dữ liệu điện tử về thương hiệu đã đăng ký trực tiếp tại Việt Nam do Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên mạng Internet http://ipdl.gov.vn; cơ sở dữ liệu điện tử về thương hiệu đã đăng ký vào Việt Nam theo Hiệp định Madrid do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Interllectual Property Organization – WIPO) công bố trên mạng internet http://ipdl.wipo.int. Nếu các tra cứu không thuận tiện, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ và trả phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Làm đơn xin đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá và nộp lệ phí
Đơn xin đăng ký bảo hộ thương hiệu phải tuân thủ theo những quy định chung. Sau đây là cách lập tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá:
– Doanh nghiệp nhận mẫu tờ khai do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo quy định về cách lập tờ khai, có thể tham khảo ví dụ về tờ khai yêu cầu đăng ký bảo hộ thương hiệu hợp lệ.
– Doanh nghiệp phải phân loại hàng hoá, dịch vụ theo Bảng phân loại hàng hoá và dịch vụ của Thoả ước Nice. Nếu doanh nghiệp không phân loại hoặc phân loại không chính xác, cơ quan đăng ký sẽ thực hiện việc đó và doanh nghiệp phải nộp phí phân loại. Các khoản phí và lệ phí đăng ký bảo hộ thương hiệu hiện nay gồm:
– Lệ phí nộp đơn
– Lệ phí thẩm định nội dung đối với mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ
– Lệ phí đăng bạ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu
– Lệ phí công bố Giấy đăng ký bảo hộ thương hiệu
– Lệ phí gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với mỗi nhóm sản phẩm dịch vụ
Lệ phí đăng ký bảo hộ thương hiệu có thể được nộp bằng tiền mặt, séc chuyển khoản hoặc uỷ nhiệm chi cho cơ quan đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Hoàn thiện và nộp bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá
Để được đưa vào xét cấp đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp xin đăng ký cần lập đầy đủ hồ
sơ theo yêu cầu của cơ quan xét cấp. Hồ sơ đăng ký thương hiệu tại Việt Nam bao gồm các loại
hồ sơ phải nộp ngay khi đăng ký và hồ sơ cần phải nộp trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đăng ký.
Các loại hồ sơ phải nộp ngay khi đăng ký bao gồm:
– Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu, trên đó có gắn mẫu thương hiệu, làm theo mẫu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam ban hành, gồm 03 bản.
– Quy chế sử dụng thương hiệu, nếu thương hiệu yêu cầu bảo hộ là thương hiệu tập thể, gồm 01 bản.
– Mẫu thương hiệu, gồm 15 bản
– Bản sao tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (chứng nhận quyền thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn), gồm 01 bản.
– Giấy uỷ quyền (nếu cần).
– Bản sao đơn đầu tư hoặc giấy chứng nhận trưng bày triển lãm nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế, gồm 01 bản.
– Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu thương hiệu chứa đựng những thông tin đó, gồm 01 bản..
– Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
– Giấy chứng nhận nộp lệ phí nộp đơn
Các loại hồ sơ phải nộp trong thời hạn ba tháng kể từ ngày nộp đơn bao gồm:
– Bản gốc tài liệu xác nhận quyền kinh doanh hợp pháp (giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) gồm 01 bản.
– Bản gốc đơn đầu tư hoặc giấy chứng nhận trưng bày triển lãm néu trong đơn có yeue cầu hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế, gồm 01 bản.
Như vậy, bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu theo thể thức quốc gia mà Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam yêu cầu phải có đầy đủ các tài liệu sau đây:
– Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá được làm theo mẫu quy định (03 bản).
– Mẫu thương hiệu (15 bản).
– Tài liệu xác nhận quyền kinh doanh hợp pháp, ví dụ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (01 bản sao).
– Quy chế sử dụng thương hiệu tập thể, nếu đăng ký bảo hộ thương hiệu tập thể (01 bản sao).
– Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng (được thừa kế, hoặc chuyển nhượng) quyền nộp đơn (01 bản sao).
– Giấy uỷ quyền nộp đơn, nếu có (01 bản).
– Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu thương hiệu chứa đựng những thông tin đó (01 bản)
– Giấy phép sử dụng tên riêng, biểu tượng hình ảnh quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ
chức do cơ quan, các nhân có thẩm quyền cấp (01 bản).
Các yêu cầu đối với hồ sơ thương hiệu
Phần mô tả thương hiệu trong tờ khai phả làm rõ khả năng phân biệt của thương hiệu, trong đó phải chỉ rõ những yếu tố cấu thành của thương hiệu và ý nghĩa tổng thể của thương hiệu. Nếu thương hiệu có chứa từ ngữ không phải là tiếng Việt, phải ghi rõ cách phát âm, nếu từ ngữ đó có nghĩa, phải dịch ra tiếng Việt. Nếu thương hiệu chứa đựng những con số không phải là chữ số Ả Rập hoặc La Mã, phải dịch ra chữ số Ả Rập. Nếu các chữ, từ ngữ yêu cầu bảo hộ được trình bày dưới dạng hình hoạ như là các yếu tố phân biệt của thương hiệu, phải mô tả dạng hình hoạ của chữ, từ ngữ đó. Nếu thương hiệu bao gồm nhiều phần tách biệt nhau nhưng được sử dụng đồng thời trên một sản phẩm, phải nêu rõ vị trí gắn từng phần của thương hiệu đó trên các sản phẩm hoặc bao bì chứa đựng sản phẩm.
Danh mục sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu trong tờ khai phải phù hợp hoặc cùng loại với sản phẩm, dịch vụ được phép kinh doanh theo bảng phân loại quốc tế về sản phẩm, dịch vụ.
Mẫu thương hiệu kèm theo tờ khai cũng như các mẫu thương hiệu phải được trình bày
rõ ràng với kích thước không vượt khổ 80x80mm và khoảng cách giữa hai điểm gần nhất không được nhỏ hơn 15mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc, thì mẫu thương hiệu phải được trình bày đúng màu sắc bảo hộ, nếu không yêu cầu bảo hộ, thì mẫu thương hiệu được trình bày dạng đen trắng.
Nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký thương hiệu được nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam,
có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cơ quan đăng ký bảo hộ thương hiệu theo thể thức quốc gia tại địa chỉ: Cục Sở hữu trí tuệ, 386 Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Tuỳ theo khả năng và điều kiện của doanh nghiệp xin đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp có
thể tự mình nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu hoặc nộp thông qua dịch vụ của tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ. Nếu doanh nghiệp chưa hiểu rõ cách thức làm và nộp đơn đăng ký bảo hộ thượng hiệu, có thể sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, thuê một số tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ để thay mặt mình làm và nộp đơn.
Nếu hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu đầy đủ, hợp lệ, thương
hiệu hàng hoá không vi phạm các quy định, thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá, doanh nghiệp sẽ được cơ quan đăng ký tuyên bố chấp nhận đơn hợp lệ về thủ tục. Nếu đơn không hợp lệ về thủ tục, cơ quan đăng ký sẽ tuyên bố từ chối xem xét nội dung đơn. Trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá của doanh nghiệp được chấp nhận hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cơ quan đăng ký thông báo kết quả xem xét nội dung đơn. Trường hợp nội dung đơn hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá, còn khi nội dung đơn không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, doanh nghiệp sẽ bị từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá.
Như vậy, không phải lúc nào đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá cũng được giải quyết cấp cho doanh nghiệp. Khi đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá của doanh nghiệp bị từ chối, doanh nghiệp phải tìm rõ nguyên nhân để sửa chữa những thiếu sót của đơn hoặc nêu ý kiến bác bỏ lý do từ chối đơn của cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Trong trường hợp cơ quan đăng ký bảo hộ thương hiệu thông báo về việc có người khác phản đối về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp phải sửa đổi mẫu thương hiệu, thu hẹp danh mục hàng hoá, dịch vụ trong đơn, hoặc nêu ý kiến phản bác lại những lý lẽ, chứng cứ không xác đáng của người phản đối. Trong trường hợp doanh nghiệp phải sửa đổi những thiếu sót trong đơn, doanh nghiệp phải sửa đổi nhưng không được phép sửa đổi mẫu thương hiệu đến mức làm thay đổi hẳn bản chất của thương hiệu và không được phép bổ sung hàng hoá, dịch vụ vào danh mục đã ghi trong đơn.
Nhận giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá và tổ chức các hoạt động nhằm khai thác và bảo vệ thương hiệu hàng hoá đã được đăng ký
Nếu bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký. Chỉ khi doanh nghiệp nộp lệ phí đăng ký thì mới được đăng bạ và cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá. Vì lý do nào đó, doanh nghiệp không đóng lệ phí thì đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá coi như bị rút bỏ. Sau khi doanh nghiệp nộp lệ phí sẽ được cơ quan cấp giấy chứng nhận vào sổ đăng bạ và cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá. Doanh nghiệp phải tự đến nhận giấy chứng nhận tại cơ quan cấp giấy chứng nhận. Khi đã có giấy chứng nhận, để khẳng định quyền cũng như khai thác các quyền lợi của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá, doanh nghiệp nên nhanh chóng công bố giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá trên các phương tiện thông tin cần thiết.
Thương hiệu đã được công bố, người sở hữu thương hiệu được sử dụng các biểu tượng như: R, TM trong việc quảng bá sản phẩm của mình trên thị trường. Với các thương hiệu được đăng ký bảo hộ, chủ sở hữu thương hiệu có thể bán hoặc nhượng quyền sử dụng thương hiệu. Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá có hiệu lực trong thời hạn 10 năm. Nếu trong vòng 5 năm doanh nghiệp không sử dụng thương hiệu, giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu hàng hoá sẽ mất hiệu lực. Tuy nhiên, sau 10 năm, nếu doanh nghiệp vẫn muốn sử dụng thương hiệu hàng hoá đó thì doanh nghiệp phải đến cơ quan có thẩm quyền để xin gia hạn liên tiếp 10 năm 1 lần.
Nhằm khai thác hết quyền lợi về thương hiệu hàng hoá đã đăng ký, trước hết doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu hàng hoá lưu thông trên thị trường. Doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi và phát hiện tình trạng xâm phạm, làm nhái, ăn cắp thương hiệu hàng hoá đã được đăng ký. Khi phát hiện ra các tổ chức, cá nhân khác vi phạm bản quyền thương hiệu hàng hoá đã được đăng ký của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhanh chóng yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.